Công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính được quan tâm; bám sát văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp kịp thời ban hành nhiều văn bản để triển khai có hiệu quả. Không ngừng nghiên cứu, đề xuất sáng kiến trong cải cách hành chính để thực hiện được hiệu quả hơn. Hoạt động tuyên truyền cải cách hành chính, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh nhiều hình thức. Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy được quan tâm thực hiện kịp thời, việc bố trí công chức, viên chức theo đúng Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt nên hiệu quả các mặt công tác được tăng lên rõ rệt. Việc sử dụng nguồn ngân sách đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời thực hiện việc chi tiêu nội bộ minh bạch, công khai theo quy định. Do vậy, từ năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp luôn nằm trong tốp đầu các sở, ngành trong thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp không ngừng nghiên cứu để nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 100% văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành thực hiện rà soát thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và công dân tra cứu khi cần. Thực hiện thẩm định tính pháp lý về ủy quyền, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn dẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gần đây. Cụ thể năm 2023, đã rà soát và thẩm định tính pháp lý về ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính của 231 thủ tục hành chính; tiếp tục đề xuất ủy quyền 165 thủ tục hành chính, đề xuất ủy quyền lần đầu đối với 08 thủ tục hành chính. Về phía ngành Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 về việc phân cấp cho Sở Tư pháp thẩm quyền thực hiện một số nội dung trong lĩnh vực nuôi con nuôi, lĩnh vực quản lý về hội, lĩnh vực công chứng, thừa phát lại, giám định tư pháp, đấu giá, trợ giúp pháp lý.
Việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức có yêu cầu luôn được quan tâm hàng đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, Sở Tư pháp luôn kịp thời chuẩn hóa Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị. Nghiên cứu các giải pháp để nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến. Do vậy, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ngày càng tăng (năm 2021: 20%, năm 2022: 74%, năm 2023: 100%), tỷ lệ thanh toán trực tuyến được thực hiện ngày càng nhiều (năm 2023: 20%, 07 tháng đầu năm 2024: 55%). Việc tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng mang lại rất nhiều tiện ích cho công dân, tổ chức có yêu cầu. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh dần dần ổn định, phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính tiện ích hơn; công tác thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng khoa học, hiệu quả. Việc tích hợp các Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với của bộ, ngành được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Gắn trách nhiệm cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính làm cho công tác giải quyết thủ tục hành chính ngày càng nề nếp, không còn tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp. Việc số hóa hồ sơ đầu vào và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai hoạt động cải cách hành chính tại Sở Tư pháp trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Biên chế được giao cho Sở Tư pháp hiện nay chưa đảm bảo dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính rất áp lực cho các bộ phận chuyên môn tại Sở Tư pháp đặc biệt bộ phận cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, tổ chức có yêu cầu (trong 07 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp đã thực hiện giải quyết gần 9.000 hồ sơ thủ tục hành chính). Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng thường xuyên gián đoạn do việc tích hợp các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính chuyên ngành của Bộ Tư pháp với Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh chưa thông suốt. Việc triển khai Nghị định 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ quy định việc liên thông điện tử cho 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông còn nhiều bất cập, vướng mắc. Kinh phí được giao cho công tác cải cách hành chính được giao chung trong kinh phí thường xuyên của đơn vị nên việc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính còn mang tính bị động. Công chức làm hoạt động cải cách còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao…
Do vậy, để triển khai có hiệu quả hoạt động cải cách hành chính trong thời gian tới hiệu quả, Sở Tư pháp đề xuất các kiến nghị như kịp thời bố trí thêm 02 công chức cho Sở Tư pháp để triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (đặc biệt cấp phiếu lý lịch tư pháp) cho công dân, tổ chức có yêu cầu; đây là thủ tục hành chính có tầng suất phát sinh rất nhiều, bộ phận này bị quá tải nhiệm vụ, áp lực về mặt thời gian rất lớn. Đề nghị cấp kinh phí hằng năm riêng cho công tác cải cách hành chính để triển khai nhiệm vụ chủ động, hiệu quả. Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ các nền tảng giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống kết nối mạng để tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; tăng cường công tác tuyên truyền việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng để công dân biết và thực hiện…/.