Kết quả thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh

Để triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2626/KH-UBND ngày 23/5/2018 triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 5793/KH-UBND ngày 05/10/2020 triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 03/8/2022 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 23/5/2023 kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tỉnh; Công văn số 5170/UBND-NC ngày 10/8/2021 v/v triển khai thực hiện các quy định của Luật Giám định tư pháp; Công văn số 4045/UBND-NCKS ngày 23/6/2022 v/v năng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo chỉ đạo các Sở, Ban ngành tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án đạt hiệu quả.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung theo 06 nhóm công việc trọng tâm nêu tại Kế hoạch số 2626/KH-UBND ngày 23/5/2018 gồm: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Đề án; nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định; lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; rà soát, công bố danh sách người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp; tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn các ngành rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Luật Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng giám định tư pháp ở từng ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng cũng như đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngoài hoạt động tố tụng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở Tư pháp đã tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Đề án 250 đến các Sở, Ban, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên Cổng Thông tin điện tử của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của các ngành thành viên và trên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Tham gia góp ý dự thảo Nghị định về giám định tư pháp, dự thảo Thông tư về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xây dựng,...

Công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp, công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được chú trọng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức và đơn vị trực thuộc có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp để đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoặc giới thiệu người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết 07 thủ tục hành chính về giám định tư pháp. Trên cơ sở đề nghị của các ngành, từ năm 2018 đến năm 2023, Sở Tư pháp đã bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp cho 37 trường hợp, miễn nhiệm giám định viên tư pháp 02 trường hợp; công nhận 22 người giám định tư pháp theo vụ việc và 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Hiện nay, UBND tỉnh đã thực hiện phân cấp cho Sở Tư pháp thực hiện thủ tục công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 29/5/2023. 

Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, cập nhật và đăng tải công khai danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng Thông tin điện tử của Sở Tư pháp tại địa chỉ https://sotuphap.quangnam.gov.vn, mục “Danh sách các tổ chức thuộc Bổ trợ tư pháp” để các tổ chức, cá nhân tra cứu tìm hiểu và tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp.

Kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để thực hiện hoạt động giám định tư pháp và sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của từng cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác giám định theo chức năng, lĩnh vực quản lý khi có yêu cầu. Trung tâm Pháp y tỉnh được UBND tỉnh bố trí trụ sở làm việc tại đường Nguyễn Văn Trỗi nối dài, phường An Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; diện tích đất 2.026 m2, diện tích xây dựng 600m2 và nhà đại thể 100 m2. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế, là đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động. Trung tâm được trang bị 01 máy siêu âm chẩn đoán phục vụ khám giám định thương tích và tủ bảo quản tử thi 02 ngăn. Phòng Kỹ thuật hình sự được bố trí làm việc trong trụ sở của Công an tỉnh Quảng Nam tại số 19 Trần Hưng Đạo, phường Tân Thạnh, Tam Kỳ, Quảng Nam;  với 10 phòng làm việc, 02 phòng thí nghiệm tổng hợp và 01 phòng kho với tổng diện tích khoảng 220 m2. Trong thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện trong hoạt động giám định chủ yếu được phân bổ thông qua các dự án, đề án của Bộ Công an. Để đáp ứng yêu cầu giám định kỹ thuật hình sự trong giai đoạn hiện nay, Công an tỉnh đã xây dựng Phương án số 1230/PA-CAT-PC09 ngày 22/05/2019 đề xuất bố trí kinh phí và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động giám định tư pháp kỹ thuật hình sự tại Công an tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị lĩnh vực giám định kỹ thuật số và điện tử, giám định dấu vết cơ học. 

Về bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp: Tại Công văn số 5170/UBND-NC ngày 10/8/2021 và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 của UBND tỉnh), UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý. Sở Tư pháp đã chuyển tải Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp lý về giám định tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 20/QĐ-BTTP ngày 22/3/2022 của Cục Bổ trợ tư pháp cho các ngành và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giám định tư pháp thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý. Các tổ chức giám định tư pháp cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định do Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Viện Pháp y Quốc gia tổ chức; đồng thời cử giám định viên chuyên ngành tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định nâng cao nhằm cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm 2022, Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch và tiến hành kiểm tra 02 tổ chức giám định tư pháp công lập (Trung tâm Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh). Qua kiểm tra, đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giám định tư pháp; hướng dẫn các ngành triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về giám định tư pháp và tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam chưa xảy ra khiếu nại về giám định tư pháp.

Do đặc thù của lĩnh vực giám định tư pháp, các nhiệm vụ chuyên môn mang tính chất chuyên ngành của từng ngành như: Công an, Y tế...; Đồng thời, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh việc thành lập các Văn phòng giám định tư pháp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập (Trung tâm Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh), với 59 giám định viên tư pháp gồm: 06 giám định viên chuyên trách tại Trung tâm Pháp y tỉnh; 14 giám định kỹ thuật hình sự và pháp y tại Phòng Kỹ thuật hình sự; 05 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; 01 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; 04 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; 01 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực công thương; 10 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực xây dựng; 18 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Có 20 người giám định theo vụ việc (05 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; 08 lĩnh vực tài chính và 07 lĩnh vực kế hoạch và đầu tư) và 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh).

Từ ngày 01/01/2018 đến hết ngày 31/12/2022 các tổ chức giám định tư pháp công lập đã thực hiện giám định giám định 5.022 vụ việc (giám định pháp y 3.803 vụ việc, giám định kỹ thuật hình sự 1.219 vụ việc); các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã giám định 06 vụ việc (tài chính: 01, xây dựng: 02, kế hoạch và đầu tư: 03).

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp chưa đạt hiệu quả cao do các đơn vị hoạt động theo mô hình ngành dọc, chức năng nhiệm vụ khác nhau, biên chế, tổ chức, nhiệm vụ do ngành chuyên môn quản lý trực tiếp; nhận thức của các ngành, các cấp về công tác giám định tư pháp có nơi, có lúc còn chưa được quan tâm đúng mức; một số Bộ, ngành Trung ương vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn giám định tư pháp trong một số lĩnh vực; chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với giám định viên tư pháp theo Thông tư số 02/2009/TT-TT-BTP ngày 17/9/2009 của Bộ Tư pháp, chế độ bồi dưỡng giám định theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 49/TT-BCA ngày 26/10/2017 của Bộ Công an còn thấp, chưa đủ bù đắp những nguy hiểm, độc hại trong quá trình thực hiện giám định của đội ngũ giám định viên; các vụ việc phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đều phải gửi mẫu đến Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đề yêu cầu giám định hoặc gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 - Quatest 3 để yêu cầu hỗ trợ giám định; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đội ngũ làm công tác giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trên địa bàn tỉnh; đội ngũ giám định viên ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giám định; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa theo kịp xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0…

Để triển khai có hiệu quả pháp luật về giám định tư pháp và Đề án 250 trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, sớm ban hành văn bản mới thay thế Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 02/2009/TT-BTP ngày 17/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thông tư số 49/TT-BCA ngày 26/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Hai là, nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù để xây dựng bộ máy đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tư pháp ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; có cơ chế hỗ trợ để động viên, khuyến khích đội ngũ giám định viên tư pháp yên tâm, gắn bó lâu dài với nghề.

Ba là, xem xét chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp về từng ngành chuyên môn trực tiếp quản lý; các Bộ, ngành Trung ương thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định viên theo từng lĩnh vực nhằm tạo điều kiện cho các giám định viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giám định tư pháp.

Bốn là, phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc chuyên dùng và các thiết bị cần thiết khác để phục vụ hoạt động giám định cơ học, giám định hóa (xăng dầu, độc chất), giám định kỹ thuật số và điện tử, giám định cháy, nổ nhất, giám định vi thể; giám định mẫu gỗ, tên loài động vật, thực vật rừng,giám định tuổi cây đứng, thể tích cây gỗ bị thiệt hại không còn tại hiện trường …góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp.

Năm là, đề nghị Bộ Công an, Bộ Y tế quan tâm có chế độ bồi dưỡng độc hại, cấp kinh phí thường xuyên và có khoản mục riêng cho hoạt động giám định theo tinh thần Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./

Tin liên quan