UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh

Để chấn chỉnh các vụ việc tranh chấp liên quan đến hợp đồng, giao dịch và việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, vi phạm pháp luật của công chứng viên và tình trạng các đối tượng lợi dụng hoạt động công chứng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…; ngày 18/01/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 376/UBND-NCKS về việc chấn chỉnh hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố: (1)Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công chứng để Nhân dân nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động công chứng và giá trị của văn bản công chứng, từ đó, tránh những rủi ro trong quá trình thực hiện các hợp đồng, giao dịch; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với theo dõi việc thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. (2) Đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát hoạt động công chứng, việc chấp hành pháp luật của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên; kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các sai phạm. (3) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 08/10/2020 và Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 của UBND tỉnh

 2. Hội Công chứng viên tỉnh: (1) Thực hiện đúng các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về Hội và pháp luật về công chứng; giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, Điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và Nội quy của Hội Công chứng viên tỉnh. (2) Tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò tự quản của Hội trong việc giám sát hoạt động hành nghề của các công chứng viên; kịp thời phát hiện các trường hợp hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng và Nội quy của Hội để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

3. Sở Tư pháp: (1) Chỉ đạo Phòng Công chứng số 1 khẩn trương phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức thi hành dứt điểm Bản án số 79/2019/DS-PT ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam. (2) Có văn bản chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hành nghề, các quy định về trình tự, thủ tục công chứng, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật; quán triệt tinh thần Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (3) Tăng cường công tác phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh trong việc triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến hành nghề công chứng nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng cho công chứng viên. (4) Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, cập nhật Cơ sở dữ liệu công chứng và quy chế khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định để tăng cường hiệu quả, an toàn của hoạt động công chứng. (5) Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, nhất là việc phát triển mới các tổ chức hành nghề công chứng để bảo đảm sự ổn định lành mạnh của thị trường công chứng; nâng cao kiểm soát chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên thông qua quản lý về tập sự hành nghề công chứng, thẩm định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm và bổ nhiệm lại công chứng viên. (6)  Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các tổ chức hành nghề công chứng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm theo đúng quy định./.

 

Tin liên quan