Vấn đề nêu trên là phù hợp với nội dung tại khoản 3 Điều 33 và khoản 3, khoản 4 Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án tại địa phương và Sở Tư pháp là cơ quan được giao giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương; UBND cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình.
Qua thực tế triển khai, để thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số 2248/QĐ-UBND ngày 26/8/2022. Một nội dung quan trọng trong quy chế phối hợp là UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí đầu mối công chức làm công tác bồi thường nhà nước, báo cáo Sở Tư pháp tham mưu UBND cấp tỉnh kiện toàn đội ngũ công chức đầu mối làm công tác bồi thường nhà nước ở địa phương.
Vấn đề đặt ra ở đây, tùy mỗi huyện có thể giao nhiệm vụ cho 01 phòng làm đầu mối khi có yêu cầu của cơ quan cấp trên (Sở Tư pháp), có thể giao Phòng Tư pháp, Văn phòng UBND huyện… và việc giao nhiệm vụ này không trái với quy định về Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và pháp luật bồi thường nhà nước hiện hành. Việc bố trí công chức đầu mối thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại UBND huyện là việc tham mưu UBND huyện thực hiện báo cáo tổng hợp, thống kê tình hình, kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước kịp thời, đầy đủ khi có vụ việc bồi thường xảy ra, theo yêu cầu của Sở Tư pháp hoặc định kỳ theo quy định; góp phần cùng Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh./.